Chính sách tiền tệ có vai trò quan trọng, giúp kiểm soát lượng tiền chảy trong nền kinh tế, ổn định thị trường tài chính trong nước. Vậy chính sách tiền tệ là gì? Chính sách tiền tệ khác với chính sách tài khóa như thế nào?  Bài viết sẽ giải thích những vấn đề trên một cách dễ hiểu nhất có thể, chúng ta hãy cùng blogvaytien tìm hiểu trong bài đọc dưới đây nhé.

Nội dung bài viết

Khái niệm về tiền tệ

Chính sách tiền tệ là gì

 

Trước khi trả lời cho câu hỏi chính sách tiền tệ là gì. Hãy cùng khởi động và tìm hiểu xem định nghĩa cơ bản của tiền tệ là gì nhé. Vậy thì tiền tệ là gì? Có vẻ như đây là một câu hỏi khá buồn cười nhỉ? Có lẽ trong chúng ta ai cũng đều biết chức năng cơ bản của nó.

Tiền tệ là một dạng phương tiện thanh toán hợp pháp được sử dụng để lưu thông hàng hóa, dịch vụ trong 1 nền kinh tế, vùng quốc gia hay lãnh thổ nhất định. Khi bạn đọc một bài báo trên mạng xã hội nói rằng Ellon Musk là nhà tỉ phú giàu nhất hiện nay, công ty ông ấy được định giá cao lên tới XXX tỉ đô.

Bạn sẽ thầm nghĩ rằng với số tài sản đấy, ông ta hẳn sẽ rất giàu có và có thể mua được mọi thứ trên đời này với chừng ấy tài sản. Nhưng hãy cẩn thận nhé, vì bạn có thể đã nhầm lẫn đấy. Dưới góc độ kinh tế học, tiền tệ phải được chính phủ chấp nhận trong thanh toán dịch vụ, hàng hóa trong một quốc gia, nền kinh tế nhất định. Vậy tiền ở đây tức là tiền giấy, tiền xu (tùy thuộc vào quốc gia),…

Do vậy, dù bạn có sở hữu cả công ty Tesla của Ellon Musk, bạn có thể trở nên giàu có, nhưng loại tài sản đó không phải là một dạng của tiền tệ. Bạn sẽ không thể mua được bất kỳ hàng hóa hay dịch vụ nào cả với sự giàu có đấy nếu không có tiền mặt trước. Vậy thì ông ấy không giàu ư? Thực ra rất giàu là đằng khác.

Ông ấy có thể bán số cổ phiếu hay tài sản của công ty đi và thu lại được tiền mặt. Ví dụ trên chỉ đơn giản giúp bạn hiểu rõ hơn về khái niệm cơ bản của tiền tệ và chức năng của nó.

Chính sách tiền tệ là gì?

Chính sách tiền tệ là gì? Chính sách tiền tệ (Monetary policy) là việc kiểm soát lượng cung tiền ở tầm quốc gia, cụ thể là ngân hàng trung ương (NHTW) sẽ đảm nhiệm vai trò đấy. Việc áp dụng chính sách sẽ giúp ổn định kinh tế, kiểm soát lạm phát, tăng trưởng kinh tế, tạo tính thanh khoản trong thị trường.

Chính sách tiền tệ bao gồm :

  • Chính sách tiền tệ mở rộng: Được NHTW sử dụng khi nền kinh tế đang trong giai đoạn suy thoát. Ngân hàng trung ương sẽ thực hiện việc bơm tiền vào nền kinh tế, tăng nguồn cung tiền nhiều hơn mức thông thường. Lãi suất theo đó cũng sẽ giảm theo, tạo điều kiện việc làm, tăng cường đầu tư, giúp phát triển nền kinh tế
  • Chính sách tiền tệ thu hẹp: Sử dụng khi nền kinh tế phát triển quá nhanh chóng. NHTW sẽ tiền hành cắt bớt nguồn cung tiền, tăng lãi suất để giúp nền kinh tế hạ nhiệt.

6 công cụ về chính sách tiền tệ

NHTW sẽ sử dụng 6 công cụ bao gồm : Công cụ tái cấp vốn, Công cụ tỷ lệ dự trữ bắt buộc, Công cụ nghiệp vụ thị trường mở, Công cụ lãi suất tín dụng, Công cụ hạn mức tín dụng và cuối cùng là Tỷ giá đối hoái để thực thi chính sách tiền tệ quốc gia.

Công cụ tái cấp vốn

Tái cấp vốn là hình thức NHTW cấp tín dụng (gọi dân dã là hình thức cho vay) cho các tổ chức tín dụng( ngân hàng thương mại), cung cấp 1 khoản tiền ngắn hạn, hỗ trợ các ngân hàng thương mại hay các tổ chức tín dụng trong khả năng thanh toán của họ vào các mục đích khác nhau theo quy định của pháp luật.

Công cụ tỷ lệ dự trữ bắt buộc

Chính sách tiền tệ là gì

 

Công cụ tỷ lệ dự trữ bắt buộc (Reserve requirement) được NHTW sử dụng để kiểm soát lượng cung tiền của các ngân hàng thương mại (NHTM) đưa vào lưu thông trong nền kinh tế bằng cách tăng hoặc giảm tỷ lệ dự trữ nguồn tiền.Việc sử dụng công cụ này đồng thời sẽ tác động đến lãi suất cho vay của NHTM.

Thay vì trước đây khách hàng gửi tiền vào ngân hàng 10 đồng, tỉ lệ dự trữ là 2 đồng, đồng nghĩa với việc ngân hàng có thể cho vay 8 đồng. Nếu tỷ lệ dự trữ ở NHTM tăng lên 3 đồng, đồng nghĩa với lượng tiền mặt cho vay sẽ giảm đi còn 7 đồng. Việc này sẽ ảnh giảm khả năng cung ứng tiền của NHTM, ngân hàng sẽ phải tăng lãi suất để bù vào phần doanh thu bị ảnh hưởng.

Và ngược lại, việc giảm tỉ lệ dữ trữ sẽ giúp NHTM giảm lãi suất, đồng thời tăng khả năng cho vay. Ngoài ra, công cụ này còn giúp các ngân hàng có một khoản dự trữ trong trường hợp khẩn cấp như nhiều khách hàng rút tiền đột ngột, phòng tránh việc hết tiền mặt trong ngân hàng.

Việc sử dụng công cụ này giúp cho nhà nước điều tiết khi nền kinh tế trở nên bất ổn như lạm phát tăng cao, việc tăng tỉ lệ dự trữ sẽ làm giảm nguồn cung, giúp hạ nhiệt nền kinh tế và ngược lại.

Công cụ nghiệp vụ thị trường mở

Là công cụ quan trọng giúp NHTW sử dụng để điều chỉnh lượng cung ứng tiền khi thị trường không như mong đợi thông qua việc mua bán giấy tờ có giá (cổ phiếu, trái phiếu, hối phiếu,…) trên thị trường mở.

Việc NHTW mua các giấy tờ có giá sẽ giúp tăng lượng cung tiền, từ đó gia tăng lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế, tăng khả năng tín dụng của các NHTM. Ngược lại, để thu hẹp tín dụng, giảm lượng cung tiền trong trong nền kinh tế, NHTW sẽ thực hiện việc bán các giấy tờ có giá ra thị trường.

Ví dụ, nếu NHTW bán các giấy tờ có giá ra thị thường, các NHTM hay nhà đầu tư sẽ mua các giấy tờ có giá này, giúp cho NHTW thu được một lượng tiền nhất định, từ đó sẽ giảm lượng cung tiền trong nền kinh tế. Các NHTM sẽ có ít khoản tiền mặt hơn, do đó khả năng cho vay cũng sẽ giảm đi và ngược lại.

Công cụ lãi suất tín dụng

Việc NHTW sử dụng công cụ lãi suất tín dụng lên các NHTM sẽ gián tiếp ảnh hưởng tới lượng cung tiền lưu thông trong nền kinh tế. Việc tăng lãi suất tín dụng sẽ khiến cho NHTM đồng thời tăng lãi suất cho vay, việc này sẽ khiến các nhà đầu tư, doanh nghiệp e dè trong việc vay mượn từ đó kiềm hãm sản xuất và làm giảm cung tiền.

Và ngược lại, việc giảm lãi suất tín dụng sẽ làm nhu cầu vay tăng cao, gia tăng lượng cung tiền trong nền kinh tế. Việc điều tiết lãi suất tín dụng hợp lý giúp NHTW đảm bảo tính ổn định, thanh khoản trong từng giai đoạn phát triển kinh tế trong thị trường mở.

Công cụ hạn mức tín dụng

Là công cụ giúp NHTW thiết lập hạn mức tín dụng cho các NHTM, trực tiếp can thiệp vào việc kiểm soát mức dư nợ tín dụng đối với các tổ chức tín dụng khi cho vay trong nền kinh tế. Việc khống chế hạn mức tín dụng đồng thời sẽ làm giảm lượng cung tiền lưu thông trong thị trường. Ngược lại, khi hạn mức tín dụng tăng, lượng cung tiền sẽ tăng theo.

Tỷ giá hối đoái

Tỷ giá hối đoái

Tỷ giá hối đoái ( Exchange rate) là sự tương quan giữa giá trị nội tệ của một quốc gia so với giá trị ngoại tệ của một quốc gia khác ( ví dụ tỉ giá hối đoái giữa USD và VND). Tỷ giá hối đoái có tác động tích cực đến xuất nhập khẩu trong nước. Ví dụ, việc động nội tệ mất giá sẽ giúp ích cho việc xuất khẩu hàng hóa.

Bởi vì khi đó hàng hóa trong nước sẽ trở nên rẻ hơn đối với các hàng hóa nước ngoài, giúp ích việc thu được đồng ngoại tệ với mức chênh lệch tỷ giá tốt hơn. Khi đồng nội tệ mạnh hơn, ngược lại, sẽ giúp thúc đẩy cho việc nhập khẩu. Hơn nữa, việc tỷ giá hối đoái ổn định sẽ giúp thu hút các vốn đầu tư nước ngoài, giúp ích cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước.

Các mục đích của chính sách tiền tệ

Việc NHTW thi hành các chính sách tiền tệ góp phần giúp đạt được các mục đích tích cực cho nền kinh tế.

Ổn định lãi suất dài hạn

Ổn định lãi suất dài hạn sẽ tạo nhiều mặt thuận lợi cho hoạt động của nền kinh tế. Thúc đẩy việc chi tiêu của các doanh nghiệp trong sản xuất, giúp ích cho sự phát triển dài hạn của nền kinh tế vĩ mô. Ngoài ra việc tiêu dùng của người dân cũng được đẩy mạnh, đặt biệt là trong các danh mục như bất động sản, xe cộ.

Bình ổn giá 

Là một trong những mục tiêu dài hạn chính trong chính sách tiền tệ. Việc ổn định giá cả với mức lạm phát vừa phải sẽ tạo sự ổn định cho nền kinh tế vĩ mô. Hạn chế sự biến động giá cả giúp cho môi trường đầu tư theo đấy cũng được ổn định, thu hút các nguồn đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội.

Thúc đẩy phát triển kinh tế

Thúc đẩy kinh tế phát triển cũng là mục đích của chính sách luôn muốn hướng đến. Việc bình ổn giá, giữ lãi suất thấp và mức lạm phát ở mức hợp lý sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế. Lãi suất thấp giúp gia tăng các hoạt động đầu tư, tiêu dùng trong nước, từ đó giúp tăng GDP thực tế (chính sách phải đảm bảo tốc độ tăng trưởng GDP phải cao hơn tỉ lệ lạm phát). Sự kết hợp của các yếu tố trên sẽ giúp nền phát triển.

Tỷ lệ có việc làm tăng, giảm tỷ lệ thất nghiệp

Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng sẽ để lại nhiều hệ lụy tiêu cực cho nền kinh tế cũng như gánh nặng cho xã hội. Do đó, để giảm tỷ lệ thất nghiệp, tạo công ăn việc làm đầy đủ là mục đích của chính sách tiền tệ cũng như những chính sách kinh tế vĩ mô khác.

Tuy nhiên, việc tăng tỉ lệ việc làm cũng sẽ dẫn theo lạm phát tăng. Việc nhà nước áp dụng các chính sách, như tăng cung tiền vào nền kinh tế để mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, tạo nhu cầu việc làm sẽ dẫn đến gia tăng tỉ lệ lạm phát ở một mứt nhất định. Do đó, nhà nước cần kết hợp hiệu quả các chính sách, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở mức tự nhiên.

Sự khác nhau giữa Chính sách tiền tệ và Chính sách tài khóa

Khái niệm về chính sách tài khóa

Khái niệm về chính sách tài khóa

 

Để dễ hình dung, chính sách tài khóa là sự điều chỉnh của chính phủ trong chi tiêu và thuế trong nền kinh tế. Giống với chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa cũng một trong những chính sách vĩ mô quan trọng trong nền kinh tế mở, đều hướng tới mục đích giúp đạt được sự phát triển về kinh tế, bình ổn về giá cả cũng như tạo công ăn việc làm đầy đủ.

Chính sách tài khóa được phân làm hai loại đó là :

  • Chính sách tài khóa mở rộng: Được áp dụng khi nền khi nền kinh tế đang bị suy thoái trong một chu kỳ nhất định. Để cứu nền kinh tế, nhà nước sẽ giảm thuế, tăng chi tiêu công (phúc lợi xã hội, cầu đường,..). Việc này sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn, tạo công ăn việc làm cho người dân.
  • Chính sách tài khóa thu hẹp: Ngược lại, khi nền kinh tế tăng trưởng quá nhanh, chính sẽ phủ sẽ tiến hành giảm bớt chi tiêu, tăng nguồn thu từ thuế nhằm kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế

Sự khác biệt giữa hai loại chính sách

  Chính sách tiền tệ (Monetary policy) Chính sách tài khóa (Fiscal policy)
Công cụ thực hiện  Lãi suất, Tái cấp vốn, Tỷ lệ dự trữ bắt buộc, Nghiệp vụ thị trường mở, Hạn mức tín dụng, Tỷ giá hối đoái. Điều chỉnh thuế và số tiền chi tiêu của chính phủ
Cơ quan tổ chức thực hiện Ngân hàng trung ương Chính phủ

 

Thuận lợi và bất lợi của Chính sách tiền tệ:

Thuận lợi

  • Việc hạ giá đồng nội tệ ( hay còn gọi là phá giá) sẽ giúp kích thích xuất khẩu. Như đã nhắc qua ở trên, việc bơm tiền vào nền kinh tế, giảm lãi suất sẽ tạo tiền đề cho việc giảm giá trị đồng nội tệ. Vì khi đó giá trị hàng hóa trên thị trường sẽ trở nên rẻ hơn so với các quốc gia khác, giúp tăng cường hoạt động xuất khẩu.
  •  Ngân hàng trung ương có thể chủ động, linh hoạt trong việc sử dụng các chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát mức độ lạm phát, phát triển kinh tế.

Bất lợi

  • Vẫn có độ trễ trong hiệu quả của chính sách tiền tệ. Ngay cả khi thi hành chính sách nhanh chóng, hiệu quả để tác động trong nền kinh tế thông thường sẽ tiêu tốn vài tháng hoặc năm để có thể nhận thấy được kết quả.
  • Chính sách tiền tệ chỉ có thể tác động lên toàn bộ nền kinh tế, không thể tập trung vào một ngành hay một khu vực cụ thể. Cho nên chính phủ không thể  sử dụng các công cụ trong chính sách này để kích thích kinh tế, tạo nhu cầu việc làm cho một khu vực nhất định.

Thuận lợi và bất lợi của Chính sách tài khóa

Thuận lợi

  • Không giống như chính sách tiền tệ, chính phủ có thể áp dụng chính sách tài khóa để kích thích nền kinh tế cho những dự án, lĩnh vực, khu vực cần thiết.
  • Hiệu quả của việc áp dụng chính sách tài khóa trong nền kinh tế có thể nhận thấy được nhanh hơn khi so với chính sách tiền tệ.

Bất lợi

  • Lạm phát có thể dễ xảy ra nếu chính phủ không thận trọng trong việc quản lý chi tiêu, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.

Tổng kết

Hi vọng thông qua bài viết này đã giải đáp thành công những thắc mắc của độc giả về chính sách tiền tệ cũng như thấy sự khác nhau giữa việc áp dụng cả hai chính sách vĩ mô trong nền kinh tế.

Các bài viết tham khảo khác có thể bạn quan tâm:

About the Author Nghetaichinh

Tiền không bao giờ là quyết định cuộc sống của bạn, nhưng nó có thể tạo ra nhiều cơ hội cho bạn